Hợp phần xe buýt nhanh BRT là một phần của Dự án cải tạo đô thị Hà Nội, đây là dự án đầu tư bằng nguồn ODA vay từ Ngân hàng Thế giới (WB). Trong đó, hợp phần BRT có tổng mức đầu tư là 53,6 triệu USD, tổng dự toán cập nhật đến thời điểm hiện tại là 41,6 triệu USD. Thực hiện hợp phần buýt nhanh BRT, Hà Nội chia nhỏ thành nhiều gói thầu để đầu tư. Chẳng hạn như gói thầu: Xây dựng tòa nhà văn phòng và trạm trung chuyển bến xe Kim Mã; xây dựng Trạm đầu cuối và ga depot tại bến xe Yên Nghĩa; mua sắm và lắp đặt thiết bị khu bảo dưỡng, sửa chữa trong bến xe Yên Nghĩa; xây dựng và lắp đặt cầu vượt cho người đi bộ, trong đó có tám cầu xây mới, cải tạo hai cầu hiện có; xây dựng đường và 21 nhà chờ xe buýt BRT dọc tuyến; gia cường cầu vượt tại nút Láng Hạ - Thái Hà; mua sắm và lắp đặt hệ thống đèn tín hiệu giao thông trên tuyến đường BRT; mua sắm đoàn xe BRT gồm 35 chiếc. Đến nay hầu hết các gói thầu của hợp phần buýt nhanh BRT đều đã hoàn thành, chỉ còn gói thầu thẻ điện tử là chưa thực hiện xong.
Theo các thông tin đã được công khai, đoàn xe buýt nhanh BRT 35 chiếc của Hà Nội được thiết kế sử dụng động cơ Hino công nghệ Nhật Bản có tiêu chuẩn khí thải Euro III, hộp số tự động 6 cấp ZF cùng với hệ thống cầu trước, cầu sau với cơ cấu phanh đĩa cung cấp bởi Tập đoàn ZF (Đức), hệ thống treo khí nén kết hợp hệ thống điều khiển nâng hạ sàn tự động của Tập đoàn Bosch (Đức)...
Xe có chiều dài 12,3m (dài nhất trong số các xe buýt hiện nay của Hà Nội, tương đương chiều dài các xe chở khách 47 chỗ hiện nay), có sàn xe đồng mức với sàn nhà chờ trên đường. Dù sức chở đăng ký của xe được đăng ký là 90 người, nhưng thực tế trên xe chỉ lắp 25 ghế nhựa cứng, còn lại đều phải đứng. Đó là những thông tin đã được công khai.Nhưng những thông tin khác, thì những cơ quan triển khai hợp phần buýt nhanh BRT của Hà Nội lại không hào hứng cho lắm với việc công khai. Chẳng hạn như việc công khai giá thành đầu tư đoàn xe 35 chiếc cho dự án này.
Cho đến nay, cả ba cơ quan, doanh nghiệp có liên quan hợp phần này mà chúng tôi đã hỏi về giá thành xe buýt nhanh BRT đều không trả lời (?).
Còn đây là những thông tin mà chúng tôi tìm hiểu được. Việc mua đoàn xe đã được triển khai qua hai cuộc đấu thầu, với thời gian cách nhau chỉ vỏn vẹn có một tháng. Lần thứ nhất, đấu thầu quốc tế, trúng thầu là Liên danh Openasia Equipment Limited - Volvo Bus với giá 11.656.061 USD cho đoàn 35 xe. Tuy nhiên đàm phán hợp đồng thầu này đã thất bại, mà chưa rõ lý do. Lần thứ hai, đấu thầu trong nước, vào ngày 5-11-2014, Sở GTVT Hà Nội tiếp tục ra Quyết định số 2257/QĐ-SGTVT phê duyệt kết quả đấu thầu cũng gói 04/BRT-TB (BRTCP08): Đoàn xe BRT, giai đoạn 1, với giá trị gói thầu được nâng lên là 12.349.855 USD, tức là cao hơn gần 700.000 USD so giá trúng thầu của lần đấu thầu quốc tế một tháng trước đó.
Lần này, Liên danh Công ty CP Thiên Thành An và Công ty CP ô-tô Trường Hải (THACO) trúng thầu. Quy đổi theo tỷ giá thời điểm đó, giá trị trúng thầu của liên danh này là hơn 176,290 tỷ đồng. Như vậy chỉ trong vòng chưa đầy một tháng, Sở GTVT Hà Nội đã ra hai quyết định phê duyệt kết quả đấu thầu đoàn xe BRT và Liên danh Công ty CP Thiên Thành An - THACO là bên thắng cuộc trước thương hiệu xe Volvo Thụy Điển. Hợp đồng cung cấp 35 xe buýt nhanh BRT đã được ký vào ngày 9-11-2015. Đoàn xe này đã được lắp ráp trong nước, tại các nhà máy của THACO. Và nếu chia bình quân với giá này, thì giá mỗi xe buýt nhanh BRT của Hà Nội là vào khoảng… 5,03 tỷ đồng.
Nguồn: Tin giao thong
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét